MỘT VÀI YẾU TỐ TRONG
SÁNG TẠO
&
TIẾP-NHẬN-ĐỒNG-SÁNG-TẠO
Trong văn chương, cả
trong nghệ thuật nói chung, không hiếm trường hợp tác giả bị (hoặc
được) đồng nhất với nhân vật, tâm trạng tác giả đồng nhất với tâm
trạng trữ tình trong tác phẩm. Tố Như đồng nhất với Kiều, Ôn Như Hầu đồng
nhất với cung nữ, Đặng Trần Côn đồng nhất với chinh phụ, thậm chí có tác
giả đồng nhất với loài vật như Thế Lữ với con hổ, vân vân, có thể là những
suy diễn có lí, cũng có thể rất khiên cưỡng (*). Nhưng Nguyễn Bính và
Nguyễn Nhược Pháp không thể là thôn nữ “lỡ bước sang ngang” và cô
bé đi chùa Hương! Tuy nhiên, sự đồng cảm hoặc cảm thông sâu sắc giữa tác
giả với nhân vật trữ tình, kể cả cái tôi khách thể được biểu hiện dưới
dạng tự biểu hiện (như Lời kĩ nữ của Xuân Diệu, đoạn Kiều ở lầu
Ngưng Bích, vốn được xem là một bài thơ hoàn chỉnh rất hiện đại, của
Nguyễn Du), vẫn là điều tất nhiên, mặc dù tác giả là tác giả, nhân vật là
nhân vật, cái tôi tác giả khác với cái tôi trong tác phẩm, đối chiếu và
kiểm xét trên mọi mặt.
Ở tất cả mọi trường
hợp, mọi tác giả đều tự nội quan, tự nghiền ngẫm từng ngóc ngách vi tế của
thế giới chủ thể bên trong và suy nghiệm thế giới khách thể bên ngoài từ
sự quan sát, tiếp xúc, cọ xát với đủ mọi tầng lớp người, mọi quan hệ xã
hội – tự nhiên, để có thể vận dụng vào quá trình hư cấu, sáng tạo. Tuy
nhiên, từ đó, cũng làm sao có thể đồng nhất hoá nhân vật, tâm trạng trữ
tình với đời riêng của tác giả, tâm trạng của tác giả theo sự suy diễn chủ
quan!
Nếp cảm nhận đồng nhất
hoá ấy cố nhiên đã ít nhiều ràng buộc, kìm hãm sự tự do sáng tạo, khả năng,
tiềm lực sáng tạo của biết bao nghệ sĩ. Có lẽ cần xác định rõ những ranh
giới khá mơ hồ của các phương thức phản ánh. Đó là một việc quá khó trong
thực tiễn viết và đọc. Bởi lẽ, làm sao biết được đúng và đủ mọi ngóc ngách
sâu kín với nhiều nghịch lí phức tạp, nhiều biến thiên kì quái lạ lùng của
tâm thức, kể cả vô thức của con người! Chưa kể, nhiều tác giả mạnh dạn thể
hiện cái dục vọng phổ quát một cách tự nhiên chủ nghĩa, khai thác cái bản
năng trắng trợn và ẩn kín, chạy trốn cái tôi thực hữu và hiện thực xã hội
để ẩn núp vào mịt mù bí hiểm, siêu thức và siêu thực, như một khám phá,
sáng tạo, đổi mới, như một thoát li thực tại, hoặc nhằm mục đích hạ bệ
Con Người (viết hoa) với ý đồ ngoài nghệ thuật. Tuy nhiên, trong tầm
nhìn cởi mở, không nên cảm nhận nghệ thuật một cách máy móc. Đâu là tái
hiện trung thực, lạnh lùng? Tái hiện lãng mạn? Đâu là lãng mạn thuần chất?
Viễn tưởng? Hoài niệm? Dự phóng? Thần tiên? Đâu là tái hiệp bóp méo, cường
điệu kiểu biếm hoạ? Bôi đen? Tô hồng? Lấy cái cá biệt làm cái điển hình?
Đâu là chỗ đứng và tâm thế của người phản ánh trong một thời điểm nhất
định? Chính các tác giả cũng mơ hồ về bản thân, bởi có ai hiểu hết thế
giới bên trong của chính mình, nữa là người đọc và người nghiên cứu! Vô
thức, tiềm thức thường xuyên tham dự vào quá trình sáng tạo là một lẽ. Lẽ
khác, chính các tình tiết cấu tạo nên tác phẩm, ngoài việc thể hiện tầng
nghĩa cơ bản, còn tự chúng tạo nên nhiều lớp nghĩa khác. Lẽ khác nữa,
người đọc đã đồng sáng tạo trong quá trình tiếp xúc với hình tượng bằng cả
con người mình. Và, bản thân hình tượng như một thực thể sống mà
tài năng của nghệ sĩ chỉ ghi nhận, tái tạo hoá theo cách riêng của mình và
dẫu muốn cũng không thể thấu hiểu đến mức tận cùng của thực thể ấy! Như
bất kì thiên tài nào khác, Nguyễn Du chắc chắn sẽ bật ngửa trước phát hiện
của người thưởng ngoạn thuộc vạn thế hệ sau ông, khi họ thưởng thức tác
phẩm của ông! Cũng như đối với trường hợp Nguyễn Du, người đọc có thể
không chia sẻ, đồng ý, đồng tình với tư tưởng triết luận của Lép Tôn-xtôi
(Léon Tolstoi) nhưng những hình tượng nghệ thuật mãi mãi chinh phục người
đọc ở mọi không gian, thời gian và mãi mãi mời gọi khám phá, sáng tạo.
Hình tượng Yê-su (Jésus Christ) trong Kinh thánh cũng vậy. Nhiều
nghệ sĩ đã tiếp nhận hình tượng này không giống nhau, ngay cả nhận thức
của nhiều giáo sĩ, giáo phái Ki-tô (Christo) cũng khác nhau! Có thể nói
thế này được chăng, tác giả dù sinh nở, tạo hoá ra hình tượng, nhưng bản
thân hình tượng vẫn có những tầng nghĩa khách quan mà tác giả không ngờ
đến?
Nếu quả thật như vậy,
nghệ sĩ sáng tác bị đặt vào thế phải thường xuyên chỉnh đốn, cải thiện tâm
thức, thường xuyên tu tâm, thường xuyên soát xét các giác quan (ngũ quan,
lục thức) dù dấn thân, nhập thân vào tận cùng thực tế cuộc sống trong giới
hạn cho phép, như một cách cải tạo và cảnh giác các mầm độc do tập nhiễm
hoặc do bản năng gốc mang tính phổ quát của sinh vật. Phải chăng đấy chính
là phương thức cốt tuỷ của các thiền sư? – Thường xuyên quét bụi, tắm rửa
tâm linh? Thường xuyên làm vệ sinh vô thức, tiềm thức? –. Phải chăng, từ
đấy mà tạo được thần sắc, thần tướng cho một và nhiều Cái Đẹp nghệ
thuật của các nghệ sĩ và ngay trong phong thái nghệ sĩ? Tu tâm và tu tài
phải là một nỗ lực suốt đời thì nào ai dám tự bảo mình đã thành chánh quả
trong nghệ thuật! Ngay trong tác phẩm của nhiều bậc thánh, nhiều hiền giả
cũng còn nhiều tì vết đạo hạnh và hạn chế lịch sử đáng nói! Vấn đề ý tại
ngôn ngoại dù có ý thức hay không ý thức, quả lắm vấn đề, trong đó có vấn
đề trách nhiệm đối với người đọc. Phải chăng một nền văn hoá, văn nghệ
sinh động phải luôn được phê bình và tự phê?
Cần được thông cảm như
vậy để bớt đi những ngộ nhận, những trói buộc bởi định kiến. Và nghệ sĩ
cũng không muốn tung hoả mù vào tác phẩm và thẩm thức!
Khuynh hướng chung
toát ra từ tác phẩm mới đích thực là một hoặc tất cả các khía cạnh tư
tưởng, tình cảm và lí tưởng thẩm mĩ (bao gồm quan niệm về chân và thiện)
của tác giả.
F. Ăng-ghen (Fridrich
Engels) cũng đã từng nói thế.
Tp. Hồ Chí Minh, 1996.
TRẦN XUÂN AN
(Bài đã đăng trên tuần báo
Văn Nghệ TP. HCM.,
số 9/98, 02. 04 – 08. 04.
1998
& trên tạp chí Cửa Việt,
số 42 [03. 1998]).
(*) Trường dụ là ẩn
dụ xuyên suốt cả tác phẩm, chứ không chỉ ở một câu, một đoạn. Trong các
trường hợp này, Kiều, cung nữ, chinh phụ, con hổ được xem như ẩn dụ
phát triển thành trường dụ.